Nếu là “Cá” hãy để con được bơi

“Con nhà chị không như con nhà người ta em à. Cháu học chậm lắm, không tập trung được, suốt ngày chỉ thích vẽ vời thôi, chị chẳng biết phải làm sao, dạy cháu như thế nào nữa?”

Đây là một trong rất nhiều những lời tâm sự của ba mẹ về con của mình mà tôi được tiếp xúc.

Cách đây 100 năm Albert Einstein đã nói rằng : Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây của nó, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.”
Mọi nhà khoa học đều đồng ý rằng, mỗi bộ não là độc nhất. Và bất kỳ gia đình nào có 2 con trở lên đều hiểu rõ điều này. Thế nhưng, thành thật mà nói, không ít ba mẹ lại đang “bắt” con mình phải giỏi như cách con người khác giỏi.

Sẽ là không công bằng khi người lớn chúng ta đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của sự khác biệt, và không ngừng kêu gọi điều đó qua các cuốn sách, chủ đề thảo luận: “Khác biệt”, “Tư Duy khác biệt để thành công”, “Khác biệt hay là chết”… còn hàng chục chủ đề tương tự như thế. Trong khi bàn về cách giáo dục trẻ nhỏ ta lại dường như quên đi yếu tố KHÁC BIỆT này.

“Bé nhà chị học kém lắm, chỉ thích vẽ vời thôi..”
VẬY, TẠI SAO KHÔNG ĐỂ CHÁU HỌC MỌI THỨ BẰNG CÁCH VẼ?

Có bé sẽ ham thích tìm hiểu về khoa học, về vũ trụ; có bé lại dễ dàng nhớ và kể ra một loạt các đặc điểm của những loài động vật khác nhau…Hay như cháu gái 5 tuổi nhà tôi, con bé thích biến mọi câu chuyện – mọi điều muốn nói thành bài hát và cứ ngân nga suốt ngày.

Giáo sư tâm lý học Howard Gardner của đại học Harvard đã chỉ ra trong công trình nghiên cứu nổi tiếng của mình: Mỗi người đều sở hữu 9 loại hình thông minh khác nhau. Ở mỗi người sẽ có một số loại thông minh nổi trội hơn số còn lại. Và chỉ dựa vào chỉ số IQ để đo sự thông minh của một người là không đủ.

Ở 1 góc nhìn khác, Khi bàn về các nguyên lý kinh tế, giáo sư kinh tế học Steven Landsburg của đại học Rochester, New York đã chỉ ra rằng toàn bộ lợi ích kinh tế sẽ đổ về người sở hữu tài sản cố định. Tính cách, kỹ năng, kiến thức …tất cả là những tài sản của một người và khi nó độc đáo sẽ trở thành tài sản cố định. Những kỹ năng phổ biến không thể đem lại phần thưởng lớn lao.

Sự khác biệt độc đáo chính là món quà của mỗi người.

“Dù học sinh chỉ chiếm 20% dân số nhưng là 100% tương lai của chúng ta.” Vậy hãy để cá được bơi, khỉ được leo cây và con chúng ta được khám phá – tận dụng triệt để món quà vô giá của các cháu.
—–
Ba mẹ đã bao giờ so sánh con mình với con nhà người ta? Đã bao giờ muốn con phải giỏi như cách con người khác giỏi? Ý kiến của ba mẹ về điều này như thế nào?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Developed by Tiepthitute